Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

Nông Duy Trường: Con Người Dân Chủ & Xã Hội Dân Sự

Con Người Dân Chủ & Xã Hội Dân Sự

 

 

Làn sóng dân chủ đang dâng lên trên toàn thế giới. Từ năm 1972 đến nay, khi Freedom House bắt đầu theo dõi tiến trình dân chủ hóa trên toàn thế giới, các nước trên thế giới đã tiến một bước dài về dân chủ. Năm 1972 cả thế giới có 150 nước, trong tổng số này chỉ có 43 nước có tự do, 38 nước có một phần tự do, và còn lại 69 nước hoàn toàn không có tự do. Đến năm 2002, tổng số nước trên thế giới lên đến 192 nước, và được xếp hạng như sau: 89 nước có tự do, 56 nước có một phần tự do, và chỉ còn 47 nước không có tự do, trong đó có Việt Nam của chúng ta.[1] Những con số thống kê cho thấy một hình ảnh thật lạc quan, chỉ trong vòng ba mươi năm con số các nước có tự do đã tăng hơn gấp đôi (so với 2000 năm trước đó khi con người chuyển từ phong kiến, quân chủ sang dân chủ vào thế kỷ 17),[2] nhưng cũng theo cách xếp hạng của Freedom House, vẫn có 56 nước chỉ có một phần tự do, và trong thập niên cuối của thế kỷ 20, hiện tượng dân-chủ-phi-tự-do vẫn là một hiện tượng phổ biến tại một số nước đang trên đà dân chủ hóa. Đó là lý do tại sao theo cách xếp hạng của Freedom House, không phải cứ hễ có một hệ thống chính trị "dân chủ" bao gồm một hiến pháp và các định chế chính trị-hành pháp, lập pháp, và tư pháp-là có dân chủ!

Tiến trình dân chủ hóa là một tiến trình phức tạp, bao gồm sự hội tụ của nhiều yếu tố xã hội, chính trị, kinh tế, giáo dục, vân vân, nhưng xét cho cùng, yếu tố quan trọng nhất, và căn bản nhất của tiến trình dân chủ hóa tại bất kỳ một quốc gia nào cũng vẫn là yếu tố con người. Nếu mẫu người sĩ phu là nền tảng của xã hội phong kiến, thì xã hội dân chủ phải có mẫu người dân chủ. Tuy nhiên, con người dân chủ chỉ có thể trưởng thành trong một xã hội tương hợp, đó là xã hội dân sự (civil society). Bài viết dưới đây sẽ phân tích mối tương quan giữa con người dân chủ và xã hội dân sự để cho thấy quan hệ hỗ tương giữa con người dân chủ và xã hội dân sự chính là chất xi-măng xây dựng nền móng cho một chế độ dân chủ, tự do, nhất là tại một nước như Việt Nam của chúng ta.

Con Người Dân Chủ

Hơn một trăm năm trước, nhà cách mạng Phan Chu Trinh đã nhận thức rằng ngoài việc đấu tranh giành độc lập cho đất nước, Việt Nam cần phải được dân chủ hóa thì mới có thể tìm được một chỗ đứng trên trường quốc tế. Chương trình hành động của ông có thể được tóm tắt như sau: "Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh."[3] Tại sao Phan Chu Trinh lại chủ trương phải khai dân trí trước? Con người Việt Nam của thời đại Phan Chu Trinh sống dưới thời phong kiến, được giáo dục và hun đúc trong khuôn khổ Tống Nho, với các thứ bậc và giai cấp xã hội được tập đại thành cả hàng nghìn năm, với quyền uy tuyệt đối của vua, với "dân chi phụ mẫu" của quan lại, nên đã quen với hệ thống tư tưởng và xã hội phong kiến, và chấp nhận một cách tự nhiên những tương quan xã hội này. Việc nước là việc của sĩ đại phu, không phải việc của nhân dân lo đến. Do đó, khai dân trí không chỉ đơn thuần là nâng cao trình độ học vấn và kiến thức, khai dân trí còn là nâng cao nhận thức về vai trò và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong tập thể xã hội. Trong suốt 100 năm qua con người Việt Nam cùng với xã hội Việt Nam bước từ thời kỳ phong kiến quân chủ sang thực dân đô hộ rồi sang cộng sản tại miền Bắc và bán-dân chủ tại miền Nam cho đến năm 1975 thì cả nước hoàn toàn thuộc vào chế độ chuyên chính cộng sản. Lịch sử đã minh chứng và khảo cứu cụ thể của Freedom House đã xác định là những định chế chính trị không làm nên một chế độ dân chủ; do đó, không thể dùng những định chế như lập pháp, hành pháp, và tư pháp mà bảo rằng Việt Nam đã có một thể chế dân chủ. Một thể chế dân chủ phải được hình thành từ những đơn vị nhỏ nhất là cá nhân, là những con người dân chủ-khác biệt với đơn vị nhỏ nhất trong xã hội phong kiến là gia đình. Trong tác phẩm Today's isms, xuất bản năm 1954, Ebenstein đã viết: "sức mạnh của một nền dân chủ là ở ý chí bảo vệ dân chủ của người dân." Cổ nhân ta cũng có nói, "người dân nào, xã hội đó." Nói một cách khác, chính người dân là thành tố quan trọng nhất không những trong tiến trình xây dựng mà còn trong công cuộc bảo vệ dân chủ. Muốn xây dựng dân chủ, do đó, trước hết phải xây dựng con người dân chủ.

Để cụ thể, thế nào là con người dân chủ? Một con người dân chủ, trước hết phải có nhân cách dân chủ, và nhân cách dân chủ (democratic personality) được thể hiện qua:

1. Tư Duy Dân Chủ: muốn có được tư duy dân chủ cần phải thực tập tư duy trên căn bản luận lý thực nghiệm (rational empiricism). Luận lý thực nghiệm lập luận rằng "mọi kiến thức của con người đều do kinh nghiệm mà ra" (John Locke). Vì con người chỉ có kinh nghiệm giới hạn nên kiến thức của con người cũng là kiến thức giới hạn. Do đó, trên căn bản luận lý thực nghiệm, không có cái gọi là chân lý tuyệt đối. Đã không có chân lý tuyệt đối thì sẽ không đưa đến những giáo điều và hành động cực đoan. Khi đã ý thức được rằng "cái biết" của ta hữu hạn và có thể sai lầm, người có tư duy dân chủ dễ dàng chấp nhận những khác biệt trong sinh hoạt xã hội cũng như bất đồng chính kiến trong chính trị. Mỗi người có thể nắm giữ được một phần của sự thật và do đó khi hợp tác sẽ đem lại kết quả tốt hơn cho tất cả. Tư duy giáo điều không nhường đất cho thảo luận hoặc thỏa hiệp. Hậu quả của tư duy này là các biện pháp tranh đấu cực đoan, không khoan nhượng, và kết quả là một xã hội bị áp chế, là những chế độ chuyên chính, độc tài.

2. Khả năng dung thứ (tolerance): kết quả của tư duy thực nghiệm mang đến một ảnh hưởng tâm lý vô cùng quan trọng trong việc xây dựng nhân cách dân chủ; đó là khả năng dung thứ. Ý thức được sự bất toàn của mình, con người dân chủ dễ dàng chấp nhận những khác biệt về tư tưởng, về chính kiến, vân vân. Khả năng dung thứ giúp cho công việc giải quyết những bất đồng diễn ra trong một không khí cởi mở và xây dựng cho cái tốt chung, chứ không đưa đến tình trạng "một sống, một chết." Trong một xã hội có rất nhiều dị biệt, dù ngay cả khi có chung một mục tiêu, sự khác biệt về phương thức cũng đủ đưa đến các sự tranh cãi quyết liệt. Nếu không có khả năng dung thứ để ý thức được sự thiếu sót của mình mà chấp nhận phần đúng của người khác thì xã hội sẽ không thể xây dựng được trong hòa bình và tiến bộ.

3. Khả năng đối thoại: từ tư duy dân chủ và khả năng dung thứ, một thuộc tính căn bản nữa của nhân cách dân chủ là khả năng đối thoại. Trong một xã hội văn minh và trật tự, mọi khác biệt đều được giải quyết qua các cuộc thương thảo. Nhân cách dân chủ đòi hỏi ta phải biết chấp nhận sự khác biệt và sẵn sàng đối thoại giữa các phe nhóm bất đồng ý kiến. Đối thoại để tìm ra giải pháp chung chứ không phải để tranh hơn thua. Chấp nhận đối thoại trong sinh hoạt xã hội sẽ đưa đến chấp nhận đối lập trong chính trị.

4. Ý thức trách nhiệm: ngoài ba thuộc tính trên của nhân cách dân chủ, ý thức trách nhiệm là một thuộc tính quan trọng trong việc xây dựng xã hội dân chủ. Con người dân chủ hiểu được vai trò của mình trong xã hội cũng như hiểu được trách nhiệm của mình trong việc sống chung với nhau trong một cộng đồng. Ý thức trách nhiệm đưa đến những hành động cụ thể trong sinh hoạt chứ không phải ý thức suông. Từ ý thức trách nhiệm này con người dân chủ phát huy một thuộc tính khác nữa là tinh thần tập thể (cộng đồng) và thiện nguyện.

5. Tinh thần tập thể và thiện nguyện (voluntarism): tinh thần tập thể và thiện nguyện giúp con người dân chủ xây dựng một xã hội dân sự, một xã hội trong đó người dân tự nguyện-mà không qua chính quyền-làm những gì mà họ thấy cần thiết cho chính bản thân và những người chung quanh (tại các quốc gia dân chủ ta thấy có rất nhiều các tổ chức thiện nguyện về đủ mọi khía cạnh và sinh hoạt của xã hội. Người dân không ỷ lại vào chính quyền để giải quyết các vấn đề cho họ). Tinh thần tập thể và thiện nguyện này là cốt lõi của xã hội dân sự và dân chủ vì qua những sinh hoạt thiện nguyện, người dân thực sự thi hành quyền làm chủ xã hội.

 

 

Nhân cách dân chủ một khi đã được hình thành cần một môi trường thuận lợi để phát triển, cần được vun xới để nẩy nở. Môi trường thuận lợi ấy chính là một xã hội dân sự, hay còn được gọi là xã hội công dân (civil society).

Xã hội dân sự

Aristotle đã nói: "con người là một sinh vật chính trị," nhưng trước khi con người trở nên một sinh vật chính trị, Seneca cũng đã nói con người là một "sinh vật xã hội" (social animal) với bản năng quần tụ. Bản năng quần tụ đã khiến con người kết hợp lại và sống chung với nhau trong những tập thể, đầu tiên là gia đình, với mục tiêu đầu tiên là sinh tồn và sau đó là cải thiện đời sống. Xã hội con người dần dần tăng trưởng từ những cộng đồng khác nhau về nhiều mặt như sắc tộc, giai cấp, tôn giáo, và văn hóa. Tuy nhiên, một xã hội chỉ có thể đáp ứng được cho người dân hai mục tiêu thiết yếu đầu tiên-an cư và lạc nghiệp-khi có một quyền lực bao trùm lên cả xã hội để bảo đảm hai mục tiêu này, nhất là khi có sự tranh chấp giữa những người dân với nhau. Chính quyền từ đó được thiết lập. Uy quyền của chính quyền từ đâu mà ra? Các xã hội phong kiến cho rằng quyền cai trị là quyền của trời cho một họ; các triều đại phong kiến từ đông sang tây đều dùng khẩu hiệu "thay trời trị dân," và mang tính chất cha truyền con nối. Tương quan giữa người dân và chính quyền là quan hệ một chiều theo hàng dọc từ nhà nước xuống nhân dân. Từ quan hệ này khái niệm "dân chi phụ mẫu" được phát huy, và nhà nước có nhiệm vụ "chăm lo" cho đời sống của dân chúng. Nếu gặp được minh quân thì dân được nhờ, còn gặp phải hôn quân thì dân cũng phải chịu. Đời sống phong kiến đã tạo nên một tâm lý thụ động và thờ ơ trước những việc "không phải việc của mình" nơi người dân. Các chính quyền độc tài, dù là độc tài cá nhân hay độc tài đảng trị cũng đều giống như các chính quyền thời phong kiến biến người dân thành những phần tử thụ động, biết phục tùng.

Khi nền dân chủ được phát huy tại Anh quốc vào cuối thế kỷ 17, cùng với các luận thuyết về dân chủ của John Locke, của Rousseau, Montesquieu, vân vân, quan niệm về quyền lực của nhà nước được thay đổi. Quyền lực của nhà nước không phải từ trời mà từ chính mỗi người dân. Khái niệm công dân và xã hội dân sự ra đời. Theo Larry Diamond, trong khảo luận "Rethingking Civil Society"[4]đăng trên tạp chí Journal of Democracy, 1994, thì

Xã hội dân sự chỉ một đời sống xã hội có tổ chức mang các tính chất tự nguyện, tự phát, tự tồn, độc lập khỏi sự chi phối của nhà nước, và được ràng buộc bởi một hệ thống luật pháp và các giá trị văn hóa. Xã hội dân sự khác với xã hội theo nghĩa thường dùng ở chỗ nó bao gồm các công dân [chữ in nghiêng của người viết dùng để nhấn mạnh] hoạt động một cách tập thể trong lãnh vực công cộng (public sphere) nhằm biểu tỏ các mối quan tâm, tư tưởng, trao đổi thông tin, thực hiện các mục tiêu chung có tính chất hỗ tương, kiến nghị với nhà nước và buộc các viên chức chính quyền phải chịu trách nhiệm trước các việc làm của chính quyền. Xã hội dân sự là một thực thể trung gian giữa lãnh vực tư nhân (private sphere) và nhà nước.

 

 

Theo khái niệm này, đặc tính nổi bật nhất của xã hội dân sự là sự tham gia của công dân vào các sinh hoạt của xã hội qua các tổ chức một cách tự nguyện, vô vị lợi cho cá nhân hay tổ chức đó (khác với các tổ chức, hoặc công ty thương mại có tính chất lợi nhuận), và độc lập với nhà nước. Nhìn dưới lăng kính này xã hội (nói chung) là một tập hợp gồm ba tiểu tập hợp: nhà nước, xã hội dân sự bao gồm các hoạt động công cộng có tính chất bất vụ lợi, và thị trường bao gồm các hoạt động tư có tính chất lợi nhuận; trong đó xã hội dân sự đóng vai trò trái độn giữa nhà nước và thị trường. Ba tiểu tập hợp này tác động qua lại với nhau tạo nên sự sống động và cân bằng của xã hội dân chủ.[5] Khái niệm tổ chức xã hội theo hàng dọc từ chính quyền đi xuống đến người dân nay có thể được quan niệm theo hàng ngang gồm ba phần: chính quyền, xã hội dân sự và thị trường, trong đó mỗi phần có nhiệm vụ rõ rệt và tác động hỗ tương với nhau.

Xã hội dân sự được hình thành, trước hết do sự ý thức của các công dân về trách nhiệm của mình đối với các lãnh vực công của xã hội nói chung. Các tổ chức tự nguyện, phi-chính phủ, phi-lợi nhuận (NGO) từ đó ra đời nhằm góp phần giải quyết các vấn đề, trước hết của chính các cá nhân và sau đó, của xã hội. Thêm vào đó, lãnh vực công (public sphere) cũng là diễn đàn để mọi người thảo luận về các vấn đề liên quan đến đời sống, để học hỏi và tìm hiểu về các tin tức, ý kiến, quan niệm của những cá nhân khác. Điểm quan trọng cần ghi nhận là mặc dù các tổ chức NGO không hoạt động chính trị nhằm nắm chính quyền như các đảng phái chính trị, các hoạt động xã hội của NGO đều mang tính chất chính trị; thí dụ, các tổ chức trợ giúp giáo dục cho các sắc dân thiểu số phải quan tâm và vận động (lobby) các chính sách của nhà nước về giáo dục. Nói một cách khác, xã hội dân sự chính là môi trường chính trị (political sphere) nằm giữa nhà nước và xã hội nói chung.

Tương quan giữa con người dân chủ và xã hội dân sự

Sinh hoạt giữa các công dân trong những tổ chức tự nguyện tạo nên một nền văn hóa chính trị (political culture) mang đặc tính dân chủ. Trước hết, các công dân tự nguyện tham gia vào sinh hoạt trong một tổ chức tự nguyện trên nguyên tắc bình đẳng, nơi mà mọi thành viên đều có thể chia sẻ mọi ý kiến về các vấn đề mà họ quan tâm đến, cho dù các ý kiến có thể trái ngược lẫn nhau, ngay cả khi những ý tưởng có vẻ "lẩm cẩm" nữa. Đặc tính "tự nguyện" giúp các thành viên mạnh dạn nói lên suy tư của mình, bởi vì trong sinh hoạt tự nguyện, nơi mọi người đều bình đẳng, sự áp chế về tư tưởng không thể xảy ra (nếu không thích thì mỗi người đều có thể tự động không tham dự). Sự tranh luận của chính các thành viên trong các tổ chức này giúp mọi người tìm ra "cái đúng" chung, trong khi mỗi người đều có cái đúng riêng. Sự trái ngược về ý kiến, về tư duy, không có nghĩa cứ hễ anh đúng thì tôi sai, hay ngược lại, mà có nghĩa là cả hai đều có thể đúng hết khi vấn đề được nhìn từ hai góc độ khác nhau. Những sinh hoạt như vậy củng cố và giúp cho nhân cách dân chủ được trưởng thành thêm.

Đặc tính "tự nguyện" của các tổ chức trong xã hội dân sự không những giúp thành viên có cơ hội để chia sẻ ý kiến, suy nghĩ, mà còn giúp thực hành các nguyên tắc về lãnh đạo dân chủ. Một tổ chức tự nguyện có thể được xem là một tiểu xã hội và tiểu xã hội này chỉ có thể hoạt động được nếu có trật tự và ổn định. "Quyền lực" điều hành tổ chức tự nguyện do các thành viên của tổ chức trao cho những cá nhân đại diện, và tính chất bình đẳng giữa các cá nhân với nhau làm nổi bật yếu tính của dân chủ là "mỗi người một phiếu." Những thực tập này giúp cho các thành viên ngày một phát triển thêm ý thức trách nhiệm của mình đối với tập thể chung, và chuẩn bị cho họ, qua những sinh hoạt điều hành nội bộ như bầu cử, tranh cử hội đồng quản trị, vân vân, tham gia vào các sinh hoạt chính trị ở phạm vi toàn xã hội.

Xã hội dân sự không những là môi trường thích hợp cho nhân cách dân chủ trưởng thành, sự đa dạng và tính đa nguyên của xã hội dân sự còn đóng góp tích cực vào việc củng cố và xây dựng xã hội dân chủ. Trước hết, một xã hội dân sự vững mạnh phân định rõ rệt thẩm quyền của chính phủ đối với các sinh hoạt xã hội, và tránh được các sự xâm phạm một cách tùy tiện của chính quyền vào các sinh hoạt xã hội. Hơn thế nữa, tại các nước dân chủ, một xã hội dân sự trưởng thành trong đó người dân tự lo liệu và giải quyết được cho chính họ đa số các vấn nạn xã hội, cũng là một hàng rào cản sự lạm quyền và độc đoán của chính quyền. Tại các nước đang dân chủ hóa, xã hội dân sự cũng là nơi tập hợp của các phong trào xã hội đa nguyên đưa đến sự hình thành của các lực lượng đối lập chính trị, như Phong trào Đoàn kết (Solidarity movement) tại Ba-lan trong thập niên 1970, các tổ chức nghiên cứu chính trị tại Đài Loan và Đại Hàn trong thập niên 1980. Mục tiêu hoạt động của các phong trào xã hội này không nhắm vào "lật đổ" chế độ mà nhắm vào xây dựng một xã hội "dân sự" nằm ngoài sự kiểm soát của các định chế của chính quyền, và áp lực chính quyền cải tổ về cấu trúc xã hội.[6]

Kết luận

Như trên đã trình bày, về cấu trúc, có thể nói xã hội dân sự là sự kết hợp của các tổ chức tự nguyện. Tuy nhiên, thành tố cốt lõi của xã hội dân sự vẫn là các cá nhân nhận thức được trách nhiệm của mình đối với "cái tốt" chung cho cả xã hội mà tham gia vào các tổ chức tự nguyện, phi-chính phủ (NGO). Nói một cách khác, xã hội dân sự là tập hợp của các con người dân chủ trong các diện khác nhau của xã hội như nhân quyền, giáo dục, y tế, nghề nghiệp, vân vân. Điều kiện cần thiết cho sự hình thành của xã hội dân sự chính là từ sự nhận thức của mỗi cá nhân về vai trò và trách nhiệm của họ trong xã hội nói chung đã thúc đẩy họ tham dự vào các sinh hoạt của xã hội. Sinh hoạt trong những tổ chức tự nguyện mỗi cá nhân có cơ hội phát huy các đặc tính của nhân cách dân chủ. Nhân cách dân chủ càng được nẩy nở thì xã hội dân sự càng được phát huy, và ngược lại. Một xã hội dân sự năng động sẽ cung cấp năng lượng cho sự vận hành của cả xã hội, nhất là về phương diện chính trị và chính sách phản ảnh các quan tâm của mọi thành viên trong xã hội. Xã hội dân sự và con người dân chủ là một tương quan nhất thể tạo thành nền tảng vững chắc cho một nền chính trị dân chủ và xã hội đa nguyên.

Nông Duy Trường

Nguồn: Hướng Việt số 15, Mùa Xuân 2003, trang 27-33.

 


[1] Freedom House's 2002 Report: http://www.freedomhouse.org/  . Freedom House dùng 2 bảng điểm để xếp hạng dân chủ cho các nước; một bảng về các quyền chính trị, và một bảng về các quyền dân sự. Điểm trung bình của mỗi nước hay lãnh thổ sẽ được dùng để đánh giá: Tự do, Bán-Tự do, hoặc Phi-Tự do. Những nước có điểm trung bình từ 1-2.5 được coi là tự do; từ 3-5.5 là Bán-Tự do; và từ 5.5-7 là Phi-Tự do. Nếu một nước được 6 điểm về quyền chính trị và 5 điểm về quyền dân sự, hoặc 5 điểm cho quyền chính trị và 6 điểm cho quyền dân sự, nước đó có thể được xếp hạng Bán Tự do, hoặc Phi Tự do. Thêm vào đó là số điểm "thô" (raw score) dùng để xác định thứ hạng cuối cùng. Điểm thô từ 0-30 là Phi-Tự do, từ 31-59 là Bán-Tự do, và từ 60-88 là Tự do. Điểm trung bình của Việt Nam là 6.5, xếp hạng Phi-Tự do.

[2] Anh quốc được coi như là nước đầu tiên tại Tây phương được dân chủ hóa sau cuộc cách mạng năm 1688 truất phế vua James đệ nhị, và thiết lập chế độ Quân chủ lập hiến.

[3] Nguyễn văn Xuân, Phong Trào Duy Tân, trg. 7, Lá Bối, Sài gòn 1970 - Phan Bội Châu mới thực là người đề xướng ra khẩu hiệu nêu trên trong Lưu Cầu Huyết Lệ Tân Thư, gồm năm phần. Phần 1 nói về nỗi nhục mất nước, 3 phần giữa bàn đến vấn đề khai dân trí, chấn dân khí, và thụ nhân tài (vun trồng nhân tài), và phần cuối kêu gọi các trí thức đang làm quan tham gia phong trào. Tuy nhiên, mặc dù Phan Bội Châu đề xướng ra thuyết này, trong hơn cả nửa đời hoạt động ông lại đi theo con đường chủ trương dùng bạo lực để giành độc lập. Phần khai dân trí và chấn dân khí thực sự là những chương trình hành động của phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh chủ trương và thi hành.

[4] Emma Porio, Civil Society and Democratization in Asia: Prospects and Challenges in the New Millenium,http://ihome.cuhk.edu.hk/~b102291/activity/anniversity/10porio.doc 

[5] Porio, tài liệu dẫn thượng.

[6] Andrew Levin, Civil Society and Democratization in Haiti, Emory International Law Review, Vol. 9, Mùa Thu 1995, số 2.

Nguồn: Học Viện Công Dân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét