Gần đây hay nghe những câu [và những câu này tùy vào nội dung mà dán thêm đuôi]: Nhân dịp Quốc khánh 2 tháng 9…; Nhân dịp Tết nguyên đán; Nhân ngày thương Binh liệt sĩ 27 tháng 7; Nhân ngày sinh nhật Bac Hồ…; Nhân dịp kỉ niệm 35 năm. Và bây giờ là nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội! Tiếp theo cụm từ 'nhân dịp', ta lại nghe tiếp 'Chúng ta sẽ…' Cụm từ “chúng ta sẽ”, “chúng tôi sẽ”, “Đảng sẽ”, “nhà nước sẽ” vốn là tiếp ngữ, là gạch nối giữa cơ hội, dịp với việc sắp làm. Mà việc sắp làm thì hầu như lặp đi lặp lại nhiều quá đến độ thành quen và nhàm chán. Ví dụ như dịp lễ Quốc khánh 2 tháng 9 chẳng hạn, người ta sẽ thấy gì? Thấy cờ hoa đỏ đường, thấy đèn treo loạn xạ, lòe loẹt, làm cho người bình thường có cảm giác mình đang đi lạc trong một xứ sở của màu đỏ; người có chút kỉ niệm vơi chính quyền cũ trước năm 1975 thì có cảm giác mình đang đi giữa một trời mồ côi nhuộm máu của chiến hữu năm xưa và lạc lõng… Đó là chưa nói đến người có đầu óc hơi thực dụng như tôi thì sẽ có cảm giác mình đang bị màu sắc đánh lừa, vì lẽ, để có ngần ấy màu trên đường, người ta phải trích ra một khoản ngân sách nhà nước, mà ngân sách ấy do đâu để có? Do thuế. Ai đóng thuế? Thì còn ai nữa, nhân dân! Hai chữ nhân dân lúc này trở nên nhạt loãng trong màu đỏ chói lói và băng rôn, biểu ngữ ca ngợi Đảng. Và cũng chuyện nhân dịp, như nhân dịp sinh nhật Bác Hồ [19 tháng 5] chẳng hạn, chương trình truyền hình sẽ phát trực tiếp hoặc không trực tiếp buổi lễ dâng hoa lăng Bác, sẽ phát hình một chương trình ca nhạc ca ngợi công ơn Người… Chương trình ấy là gì nhỉ? Nghe rất quen! Thường thì có một diễn văn ngắn nói về tiểu sử, cuộc đời, công trạng, lòng ngưỡng mộ đối với Bác, và sau nữa thì ca nhạc, múa, hát ca ngợi Bác. Và cuối chương trình, chắc chắn là một bài múa xây dựng hình tượng giai cấp công nhân đang nâng bức tượng [do diễn viên múa đóng] Người nâng lên thật cao, cao ngất tượng đài. Dần dần, cái chủ nghĩa tượng đài cũng lậm vào máu thịt của múa, và có thể đã đến lúc người ta sẽ hỏi là: Đặc trưng của múa Việt có phải là xây dựng tượng đài? Trở lại chuyện “nhân dịp” Thường thì chữ “dịp” và chữ “cơ hội” hoàn toàn khác nhau về nghĩa, khó mà đồng nhất nó với nhau được, thế nhưng với người Việt Nam bây giờ, đây là câu chuyện mù mờ. Không biết nó mù mờ từ bao giờ thì không rõ, chứ chắc chắn bây giờ rất mù mờ. Vì sao tôi nói mù mờ? Vì chẳng thấy nó có sự phân biệt rõ ràng. Xin dẫn luận: - Nhân dịp Đại lễ 1000 năm Thăng Long Hà Nội, Hội Sinh Vật cảnh Duy Xuyên – Quảng Nam sẽ ra mắt tập thơ 1000 bài [hoặc 1000 tác giả chẳng hạn!] để chào mừng Đại Lễ. - Nhân dịp Đại lễ 1000 năm… Công ty Âu Lạc sẽ ra mắt bức Thiên long Việt Đồ mang 1000 con rồng đang múa lượn, chầu mặt trời, mặt trăng hay mặt người chẳng hạn! - Nhân dịp Đại lễ 1000 năm… Thành phố Đà Nẵng sẽ bắn pháo bông hòa cùng niềm vui cả nước. - Nhân dịp Đại lễ 1000 năm… Thành phố Hà Nội phát động phong trào thi đua yêu nước học tập noi gương Bác, giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch, đẹp… - Nhân dịp Đại lễ 1000 năm… Thành phố Hà Nội quyết tâm xây dựng, sửa chữa hệ thống thoát nước để đảm bảo thành phố không bị ngập lụt trong suốt chương trình Đại lễ… - Nhân dịp Đại lễ 1000 năm, hãng phim A, B, C… sẽ thực hiện bấm máy và hoàn tất bộ phim về Lý Công Uẩn, Long Thành cầm giả ca… - Nhân dịp Đại lễ 1000 năm… công ty bia A, B, C… sẽ tổ chức một festival bia với chai bia 1000 lít để phục vụ khách… - Nhân dịp… v.v và v.v… Nếu đặt câu hỏi tại sao phải nhân dịp này dịp nọ mới làm những công trình đó và liệu làm một cách cập rập, vội vàng, làm theo thời vụ đến hẹn lại lên như vậy có hình thức và hời hợt quá không? Làm như vậy được gì? Thì sẽ thấy ngay chữ “cơ hội” đang giấu mình trong chữ “dịp”. Vì chữ dịp không còn vô tư, tính liêm khiết bị đánh mất, thay vào đó là những cơ hội cho kẻ biết “thừa dịp” mà tranh thủ những thứ mình muốn có! Và hệ quả là gì? Có rất nhiều chương trình, hạn mục, kế hoạch cùng thực hiện nhân một dịp. Và cũng có rất nhiều con người, nhân sự cùng một lúc phải cõng đến ba bốn công việc. Và cũng có rất nhiều công việc, sự kiện cùng một lúc phải cõng đến ba bốn ý nghĩa, mục đích. Chính vì sự lan man này mà kết quả, thành tựu của nó chẳng bao giờ tốt đẹp cả. Bằng chứng của sự không tốt đẹp này là suốt từ trước đến nay, những bộ phim, những tác phẩm nghệ thuật, những công trình… có cõng theo mục đích, ý nghĩa và dịp gì đó chẳng hạn… chẳng bao giờ có giá trị nghệ thuật tốt, chẳng bao giờ mang giá trị đích thực. Nếu không nói là chẳng bền vững! Phần lớn những tác phẩm này nhàn nhạt, vừa có chút tuyên truyền, vừa có chút kĩ thuật, chút điện ảnh, chút sân khấu… Chẳng đi đến đâu, chẳng ra tấm ra mẻ gì! Tuy rằng giá trị của nó không ra tấm ra mẻ vậy chứ kinh phí đầu tư vào nó thì lại là chuyện khác, đó có thể là mức kinh phí cao ngất ngưởng so với mức để thực hiện nó lúc bình thường. Vì sao ư? Vì thời gian quá ngắn, hạn mục quá rộng, tính lịch sử “quá cao”, tính nghệ thuật “quá cao” mà đội ngũ thì quá mỏng nên chi cần sự hỗ trợ của chuyên gia nước bạn. Nước bạn là ai? Thì còn ai nữa, không phải Trung Quốc mới là lạ! Ngoài ra còn có thêm Lào, Campuchia và một vài nước xa xa như Cuba, Nga… Và khi nhắc đến chữ “dịp”, người ta lại nghĩ đến một khoản tiền đổ ra như nước để treo cờ hoa, đèn đóm, để dựng phim, sân khấu, để ca ngợi công trạng của một ai đó một cách không bình thường, nếu không nói là phô trương đến mức nếu người ấy sống lại sẽ đỏ mặt và quay đi. Điều này do đâu mà có? Đó là do tâm lý cơ hội không biết từ bao giờ đã bám rễ sâu vào máu huyết của những người có liên quan những câu chuyện tôi bàn ở trên nói riêng và người Việt nói chung. Và thử đặt lại vấn đề có bao nhiêu công trình, bao nhiêu dự án thực hiện đón chào Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội mà không có vấn đề về tham nhũng, móc ngoặc, hối lộ? E rằng câu trả lời vô cùng khó! Và điều này vô hình trung biến sự kiện lịch sử trở thành trò hề, biến hình ảnh tổ tiên thành vật hiến moi tiền, đầu cơ, biến câu chuyện dân tộc thành chuyện xẩm lót bụng… Thử suy nghĩ một lần, liệu có thể nào chúng ta thoát ra tình trạng này không? Rất khó, thực sự khó. Vì thử đặt tiếp câu hỏi: Liệu người Hà Nội bây giờ có còn sống đẹp như những gì người ta nói? Liệu ý thức dân tộc của người Việt Nam có còn mạnh mẽ như lịch sử đã nêu? Liệu Lòng người có còn chung chí hướng trước nạn ngoại bang như tổ tiên từng có? E rằng câu trả lời dài đến vô cùng mà không tìm ra đáp án! Và Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội sắp diễn ra trong nhưng ngày tới giống như một chuyện đã rồi… Biết rồi, khổ lắm, nói mãi… Vẫn chưa thoát khỏi tính hình thức, tuyên truyền bởi nó mang nặng tâm lý cơ hội trong một dịp tri ân tổ tiên. Tính cơ hội như thế nào? Có lẽ câu trả lời nên dành cho mỗi người! Có một điều là không biết tự bao giờ, tính hồn nhiên của con người bị biến mất. Và trò múa lân trẻ con Cũng trong những ngày này, trùng với dịp lễ Trung thu của thiếu niên nhi đồng, tôi xin gửi đến quí vị bức ảnh mới chụp trên quốc lộ 1A – đoạn ngang qua thị trấn Vĩnh Điện – Điện Bàn – Quảng Nam. Quí vị xem ảnh và thử so sánh tính “lễ hội” của Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội với vẻ hồn nhiên của mấy đứa bé múa lân. Điều dễ nhận thấy nhất là chúng vẫn giữ được nét hồn nhiên, một lễ hội đích thực của riêng chúng… Trong chừng mực và ý nghĩa nào đó, tất cả đang chơi trò múa lân, nhưng múa đẹp hay không thì tùy thuộc vào tính hồn nhiên, vô tư của nó! Liêu TháiLiêu Thái
anhbasg.wordpress.com - anhbasg.blogspot.com - anhbasaigon.wordpress.com - anhbasaigon.blogspot.com
Thứ Bảy, 25 tháng 9, 2010
Liêu Thái: Những cụm từ lặp lại thành quen
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét